Cổ phiếu bảo hiểm – giữ vững đà tăng trong đại dịch
Đại dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều ngành kinh tế, đặc biệt là đợt bùng phát thứ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh "đã khó càng thêm khó" khi giãn cách xã hội kéo dài ở nhiều tỉnh, thành. Dù cũng chịu tác động không nhỏ, tuy nhiên, ngành bảo hiểm vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong 7 tháng đầu năm.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 7/2021, tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 630.359 tỷ đồng, tăng 20,84% so với cùng kỳ năm 2020. Qua 7 tháng năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 116.196 tỷ đồng, tăng 18,26% so với cùng kỳ năm 2020. Các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 517.145 tỷ đồng, tăng 23,39% so với cùng kỳ năm 2020. Các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 29.662 tỷ đồng, tăng 12,71% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm cũng có diễn biến tích cực. Thống kê của phóng viên cho thấy, trong số 12 cổ phiếu ngành bảo hiểm đang có mặt trên 3 sàn, thì có 10 mã có giá tăng so với thời điểm đầu năm và so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê tại ngày 18/8/2021 và so sánh với thời điểm đầu năm (4/1/2021), ngoại trừ BVH, PRE (Tái bảo hiểm PVI) giảm giá, còn lại 10 mã cổ phiếu DNBH khác đều tăng trưởng 2 con số, gồm: MIG (Bảo hiểm Quân đội), BLI (Bảo hiểm Bảo Long), PTI (Bảo hiểm Bưu điện), ABI (Bảo hiểm NH Nông nghiệp), BMI (Bảo Minh), VNR (Tái bảo hiểm Quốc gia), PVI (Bảo hiểm PVI), BIC (Bảo hiểm BIDV), AIC (Bảo hiểm Hàng không), PGI (Bảo hiểm PJICO). Trong đó cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội (MIC) cũng tăng tốt với 35% so với thời điểm đầu năm; đồng thời, tăng mạnh 127% so với cùng kỳ năm ngoái (18/8/2020).
Triển vọng tích cực 6 tháng cuối năm từ những doanh nghiệp chuyển đổi số hiệu quả
Dịch Covid-19 lần thứ 4 hiện vẫn đang phức tạp, cũng như nhiều ngành khác, ngành bảo hiểm sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ tới việc triển khai các giải pháp kinh doanh để hoàn thành kế hoạch năm 2021. Thách thức là vậy, nhưng cơ hội tăng trưởng tiếp không phải không có. Theo các chuyên gia dự báo, ước tính cuối năm các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bình quân tăng trưởng khoảng 7%. Vietnam Report cũng chỉ ra ba động lực tăng trưởng của ngành bao gồm: Nhận thức và hiểu biết của người dân về bảo hiểm được cải thiện; công nghệ phát triển mạnh mẽ; kênh phân phối bảo hiểm đa dạng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị, dịch bệnh có thể làm tăng tính phân hóa của các DNBH, do đó, nên "chọn mặt gửi vàng". Các nhà đầu tư nên quan tâm tới các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh tốt qua nhiều năm, chuyển đổi số mạnh mẽ và có tập khách hàng thường xuyên lớn, mang tính ổn định cao.
Theo dõi cuộc cách mạng số của các DNBH, có thể thấy MIC là một trong những cái tên gây ấn tượng mạnh với nhà đầu tư vì khả năng tăng trưởng cao, ổn định. Với tham vọng của ban lãnh đạo MIC chia sẻ, việc duy trì tăng trưởng gấp 3-4 lần thị trường trong 6 tháng cuối năm, ROE nằm Top đầu thị trường, lợi nhuận tăng trưởng vượt trội so với các Công ty TOP 5 ngành là mục tiêu hoàn toàn khả thi với doanh nghiệp này nhờ khả năng chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và mở rộng liên kết với các đối tác.
Kết quả quý 2 của doanh nghiệp này đã phản ánh chiến lược đầu tư đúng đắn và có phần đi trước xu thế. Theo đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu của MIC trên 32% cao hơn khoảng 5 lần so với tốc độ tăng trưởng toàn ngành bảo hiểm phi nhân thọ, đứng Top 5 về thị phần. Về lợi nhuận, công ty này cũng ghi nhận tăng trưởng 44,3% so với cùng kỳ.
Sự đầu tư ứng dụng công nghệ, phát triển bảo hiểm số đã giúp MIC thu về khoảng gần 2 triệu data khách hàng giao dịch trên nền tảng Online tính đến hết quý 2 và doanh thu bảo hiểm số tăng trưởng vượt bậc gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp này cũng được tổ chức xếp hạng uy tín IDG Công bố Top 2 Doanh nghiệp có trải nghiệm khách hàng hài lòng nhất năm 2021. Ngoài ra, MIC cũng đang triển khai nhiều dự án hợp tác, đối tác lớn của những tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, Masan, Novaland, Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Tập đoàn Hoà Phát,…
Cùng với đó, sức ảnh hưởng của MIC còn gia tăng ở quy mô doanh nghiệp ngày càng mở rộng, khi quy mô vốn điều lệ liên tục tăng từ 300 tỷ đồng năm 2010 lên 1300 tỷ vào năm 2019. Năm 2021, tổng số cổ phiếu mà MIC phát hành thêm là 130 triệu cổ phiếu. Sự mở rộng quy mô cộng hưởng với chiến lược đúng đắn của MIC trong việc đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ số hóa đang giúp công ty liên tục gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường và điều này càng củng cố lòng tin của nhà đầu tư đối với MIC.
Những yếu tố trên đã tạo nên sức hấp dẫn giúp cổ phiếu MIG được thị trường đón nhận với mức tăng giá khá ấn tượng, đặc biệt trong khoảng 2 tháng trở lại đây. Trên thực tế, đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/8, cổ phiếu MIG đóng cửa ở mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này tăng khá ấn tượng so với thời điểm chuyển sang sàn HOSE, nhưng so sánh với mặt bằng chung cổ phiếu ngành này, cổ phiếu MIG vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.
Theo dõi diễn biến quá trình tăng giá của cổ phiếu MIG gần đây, cổ phiếu này đang nhận được sự quan tâm mạnh hơn của khối nhà đầu tư nước ngoài. Thống kê từ đầu tháng 8 tới ngày 18/8, khối ngoại đã mua ròng 9 phiên đối với MIG, trong đó, khối ngày duy trì mua ròng mạnh vào các phiên gần đây. Theo thông tin từ lãnh đạo MIG, hiện nay, Công ty đang nhận được một số đề nghị hợp tác của các đối tác quốc tế. Về phía MIC, Công ty này cho biết, việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài cũng đang trong chủ trương chung của Công ty.
Nguồn: Cafe F
Tác giả: admin
Những tin cũ hơn