- Bảo hiểm cho các rủi ro liên quan đến những trách nhiệm và các chi phí theo luật định mà chủ tàu phải chi trả đối với các thiệt hại của người thứ ba do quá trình hoạt động của tàu gây ra, bao gồm cả thiệt hại về con người và tài sản.
- Mức trách nhiệm từ 10.000.000 VNĐ/vụ cho đến 20.000.000.000 VNĐ/vụ
- Tất cả các chủ tàu hoạt động trên sông, hồ, và vùng biển Việt Nam, không phân biệt thành phần kinh tế đều có thể tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (gọi tắt là MIC).
- Cá nhân hoặc tổ chức tham gia bảo hiểm (gọi tắt là người được bảo hiểm), có thể yêu cầu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ tàu theo thời hạn hoặc theo chuyến hành trình.
Thuật ngữ "tàu" sử dụng trong Quy tắc bảo hiểm này bao gồm các loại phương tiện tự hành hoặc không tự hành dùng để chuyên chở hàng hoá, hành khách, nguyên nhiên liệu hoặc dùng để lai dắt, cứu hộ, nghiên cứu biển… (nhưng không phải là tàu phục vụ và đánh bắt thủy hải sản), hoạt động trên sông hồ và vùng biển Việt Nam.
Trách nhiệm dân sự của chủ tàu đối với người thứ ba:
a. Những chi phí phát sinh từ rủi ro trong hoạt động của tàu được bảo hiểm mà chủ tàu phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của luật pháp gồm:
- Chi phí tẩy rửa lấm bẩn hoặc ô nhiễm dầu, tiền phạt của chính quyền địa phương và các khiếu nại về hậu quả do làm lấm bẩn hoặc do ô nhiễm dầu gây ra;
- Chi phí thắp sáng, đánh dấu, phá hủy, trục vớt, di chuyển xác tàu được bảo hiểm bị đắm (theo yêu cầu hoặc quy định của chính quyền địa phương, nếu có). Trừ khi các chi phí trên thuộc trách nhiệm của hợp đồng bảo hiểm thân tàu,
- Chi phí cần thiết và hợp lý trong việc ngăn ngừa và hạn chế tổn thất, trợ giúp cứu nạn liên quan đến việc giảm thiểu trách nhiệm dân sự của chủ tàu,
- Chi phí liên quan tới việc tố tụng, tranh chấp, khiếu nại về trách nhiệm dân sự.
b. Phần trách nhiệm theo luật định mà chủ tàu phải gánh chịu do tàu được bảo hiểm gây ra:
- Thiệt hại cầu cảng, đê đập, kè cống, bè mảng, giàn đáy, công trình trên bờ hoặc dưới nước, cố định hoặc di động,
- Bị thương hoặc thiêt hại tính mạng, tài sản của người thứ ba khác (không phải thuyền viên trên tàu được bảo hiểm).
c. Những chi phí mà chủ tàu phải chịu trách nhiệm bồi thường theo Luật lao động đối với thuyền viên đang làm việc trên tàu được bảo hiểm:
- Thiệt hại về thân thể hoặc các tổn thất vật chất đối với thuyền viên trên tàu được bảo hiểm,
- Lương và các khoản phụ cấp lương hoặc trợ cấp của thủy thủ đoàn trong trường hợp tàu được bảo hiểm bị tổn thất toàn bộ.
d. Trách nhiệm đâm va:
Bao gồm những chi phí phát sinh từ tai nạn đâm va giữa tàu được bảo hiểm với tàu khác, mà chủ tàu có trách nhiệm theo pháp luật phải bồi thường cho người khác trên nguyên tắc trách nhiệm chéo, nhưng không vượt quá giới hạn trách nhiệm đã được ghi trong Giấy chứng nhận bảo hiểm về:
- Thiệt hại hư hỏng tàu khác hay tài sản trên tàu ấy,
- Chậm trễ hay mất thời gian sử dụng tàu khác hay tài sản trên tàu ấy,
- Tổn thất chung, cứu nạn hay cứu hộ theo hợp đồng của tàu khác hay tài sản trên tàu khác,
- Trục vớt, di chuyển hoặc phá hủy xác tàu ấy,
- Thuyền viên trên tàu ấy bị chết hoặc bị thương,
- Tẩy rửa ô nhiễm do tàu ấy gây ra.
e. Trách nhiệm lai dắt:
- Bảo hiểm này, bồi thường những tổn thất gây cho những phương tiện được lai kéo bởi tàu được bảo hiểm trong quá trình lai kéo phát sinh trách nhiệm theo hợp đồng lai kéo, ngoại trừ tổn thất hàng hoá được chuyên chở trên các phương tiện đó.
f. Trách nhiệm đối với hàng hóa:
- Trách nhiệm theo hợp đồng vận chuyển hay hợp đồng lai kéo mà chủ tàu được bảo hiểm phải bồi thường cho hàng hoá được chuyên chở trên tàu được bảo hiểm hoặc trên các đơn vị được lai kéo theo bị tổn thất do sự cố tai nạn gây ra (loại trừ hư hỏng, mất mát do hành vi ăn cắp hoặc thiếu hụt tự nhiên).
- Trong mọi trường hợp tổng số tiền bồi thường của MIC về trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba, và/hoặc trách nhiệm lai dắt và/hoặc trách nhiệm đối với hàng hoá chở trên tàu được bảo hiểm cho mỗi vụ khiếu nại không vượt quá số tiền bảo hiểm cho từng phần trách nhiệm tương ứng mà chủ tàu tham gia bảo hiểm, được ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm.
a. MIC cũng nhận trách nhiệm bồi thường cho những chi phí hợp lý mà tàu được bảo hiểm gánh chịu trong trường hợp:
- Khi thực hiện các nghĩa vụ hay các biện pháp cần thiết nhằm mục đích cứu sinh mạng trên sông, trên biển với điều kiện người được bảo hiểm có nghĩa vụ pháp lý đối với các hành động phát sinh chi phí đó và các chi phí đó không thể đòi lại được từ người thứ ba,
- Khi tàu được bảo hiểm đâm va với tàu cùng chủ hoặc cùng quyền quản lý, người được bảo hiểm vẫn có mọi quyền theo bảo hiểm này như thể chiếc tàu đó là hoàn toàn của một chủ tàu không có quyền lợi liên quan đến tàu được bảo hiểm. Nhưng trong trường hợp đó, trách nhiệm về đâm va hoặc số tiền phải trả cho dịch vụ đã cung ứng phải được MIC đồng ý hay theo quyết định của Tòa án
b. Với điều kiện người được bảo hiểm phải thỏa thuận trước và nộp thêm phí bảo hiểm theo yêu cầu của MIC, MIC nhận bảo hiểm cả trong trường hợp:
- Có sự thay đổi về phạm vi hoạt động, lai dắt không theo tập quán, về ngày khởi hành (trường hợp bảo hiểm chuyến),
- Tàu được bảo hiểm là loại tàu được sử dụng vào hoạt động kinh doanh cần phải xếp, dỡ hàng hóa hoặc nguyên nhiên vật liệu ở trên sông, hồ hoặc trên biển sang tàu khác hoặc từ tàu khác sang tàu được bảo hiểm.